Cứu sông Tô Lịch và giúp hồ Tây

Mời bạn đánh giá
[Đánh giá: 1 Điểm số: 5 sao]

Việc tạo dòng chảy cho Tô Lịch, biến từ rãnh nước thải đen ngòm thành con sông trong xanh từ lâu đã làm đau đầu các sở, ngành Hà Nội và giới khoa học. Tuy nhiên, với việc con sông sắp loại bỏ hoàn toàn được nước thải, câu chuyện này trở nên khả thi hơn bao giờ hết.

Zing liên hệ với một số chuyên gia thủy lợi để có cái nhìn chi tiết hơn về các phương án, phương pháp bổ cập nước cho Tô Lịch.

Nếu kế hoạch không khả thi, đành chấp nhận Tô Lịch chỉ là đường thoát nước

Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, từ lâu Hà Nội gặp nhiều khó khăn đối mặt với bài toán làm sạch sông Tô Lịch khi mỗi ngày hàng trăm nghìn m3 nước thải đổ xuống. Bên cạnh đó, điều kiện địa chất, tự nhiên thay đổi rất nhiều do đô thị hóa khiến việc làm con sông sống lại càng khó khăn.

Nói về việc đưa con sông trở lại như trước, vị giáo sư nhấn mạnh 3 yếu tố. Thứ nhất là tách hoàn toàn được nước thải làm ô nhiễm; hai là tái tạo lại các điều kiện tự nhiên hoặc bán tự nhiên như bùn cát, hệ sinh vật dưới lòng sông. Thứ ba, quan trọng nhất, là tạo được dòng chảy ổn định, có tính bền vững.

lam sach song To Lich anh 2
Tô Lịch từ lâu được coi như dòng sông chết do ô nhiễm nặng và thường xuyên cạn nước. Ảnh: Việt Linh.

“Cái khó nhất là tách nước thải, Hà Nội đã tháo gỡ được. Giờ bài toán bức thiết là tạo được dòng chảy cho con sông. Cái này chúng ta có mấy cách, mỗi cách có khó khăn, phức tạp riêng và sẽ không đơn giản”, vị chuyên gia nhìn nhận.

Trong số những phương án được đưa ra, ông Trọng Hồng tâm đắc nhất với ý tưởng lấy nước từ sông Hồng qua hồ Tây rồi bổ cập cho Tô Lịch. Theo ông, phương án này đã được đề cập từ lâu và cũng là phương án khả dĩ nhất thời điểm hiện tại.

Song, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cũng lưu ý mực nước sông Hồng hiện nay đang khá thấp, đặc biệt vào mùa cạn. Vì vậy, ông cho rằng Hà Nội cần huy động các nhà khoa học, nghiên cứu kỹ tìm ra lưu lượng nước cần thiết để tạo dòng chảy cho sông.

“Phải bắt đầu tư việc đo đạc lại chế độ thủy văn của sông Hồng nhất là vào mùa cạn. Ta phải tìm xem sông Hồng có thể đáp ứng lượng nước cần thiết cho Tô Lịch không. Nếu không đủ, thì ta phải tính đến phương án khác”, ông nói.

Sau đó, nếu đáp ứng các yêu cầu về lượng nước, Hà Nội tính đến chỉnh trị sông Tô Lịch thế nào, từ độ dốc, nạo vét khơi thông lòng sông, thu hồi đất 2 bên bờ, ngăn chặn tình trạng tái lấn chiếm. “Còn nếu kế hoạch này không khả thi, ta đành chấp nhận Tô Lịch chỉ còn là đường thoát nước cho Hà Nội”, ông Vũ Trọng Hồng tiếc nuối nói.

“Cứu” sông Tô Lịch và giúp hồ Tây

Ông Hoàng Xuân Hồng, Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, đồng tình với phương án cấp nước cho Tô Lịch từ sông Hồng thông qua hồ Tây. Ông cho rằng đây sẽ là mũi tên trúng 2 đích.

“Hồ Tây trước nay vẫn có tình trạng ô nhiễm vì không có nước ra, vào thường xuyên, trở thành hồ tù. Vì vậy, cấp nước cho hồ Tây rồi bổ cập cho Tô Lịch tức là vừa giúp Tô Lịch có dòng chảy vừa giúp cải tạo nước hồ Tây”, ông Xuân Hồng nói.

lam sach song To Lich anh 3
Chuyên gia nhìn nhận việc tạo dòng chảy cho Tô Lịch sẽ có nhiều khó khăn. Ảnh: Việt Linh.

Còn về phương án cấp nước cho Tô Lịch thông qua cống Liên Mạc, ông Xuân Hồng nhận định việc này sẽ khó khăn do cao trình của cống sẽ cao hơn mực nước sông Hồng đặc biệt là vào mùa cạn.

“Không có đường nước nối giữa cống Liên Mạc và đầu sông Tô Lịch. Đây lại là khu vực đô thị, đông dân cư nên mở được kênh dẫn nước sẽ càng khó. Tôi nghiêng về phương án lấy qua hồ Tây vì nó đã có sẵn đường dẫn nước tự nhiên rồi”, vị chuyên gia chia sẻ.

Ông Xuân Hồng cũng thừa nhận do việc xuất hiện của nhiều công trình thủy điện và các nguyên nhân khác khiến mực nước sông Hồng đã thấp hơn trước rất nhiều. Hiện nay, mức nước này chỉ đủ đáp ứng cho nông nghiệp, còn để bổ cập cho Tô Lịch thì sẽ là một bài toán nan giải.

“Hà Nội cần tính toán, xây dựng trạm bơm nào, sử dụng thiết bị ra sao vừa đảm bảo hiệu quả lẫn kinh tế. Đây là dự án lớn, chắc chắn sẽ tốn kém, nhưng tôi tin sẽ làm được nếu có sự góp sức của các nhà khoa học và quyết tâm của chính quyền”, ông nói.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc BQL dự án Cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội, cho biết đơn vị đang phối hợp với các sở, ngành rà soát các phương án phù hợp.

Cách thứ nhất là bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua Hồ Tây. Đơn vị sẽ xây dựng trạm bơm cố định đặt sát mép nước sông Hồng, đặt tuyến ống dẫn nước từ trạm bơm đi qua ngõ 464 Âu Cơ, đê sông Hồng dẫn vào mương tiêu cạnh Công viên nước Hồ Tây sau đó bổ cập cho Tô Lịch.

Cách thứ 2, bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua cống Liên Mạc. Theo ông Hùng, phương án này đem lại nhiều lợi ích do hệ thống đã được quy hoạch sẵn một số đoạn tuyến nên tiết kiệm được thời gian, kinh phí đầu tư.

Tháng 5/2020, Hà Nội triển khai gói thầu gói thầu xây dựng hệ thống ống ngầm gom nước thải dọc sông Tô Lịch, thuộc dự án dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Dự án có phạm vi xây dựng trên 4.900 ha, với tổng chiều dài khoảng 52,6 km, trải rộng trên nhiều quận, huyện.

Dự án được kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm nguồn gây ô nhiễm suốt hàng chục năm và giúp “hồi sinh” con sông này. Ban quản lý dự án cho biết các hạng mục chính của dự án cơ bản hoàn thành trong năm 2022.

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *